Ôtô hybrid là bước tiếp cận cơ bản nhất của dòng xe xanh, khi động cơ đốt trong vẫn đóng vai trò chính, động cơ điện hỗ trợ nhằm tối ưu khả năng vận hành. Nhờ can thiệp từ mô-tơ điện, mức tiêu hao nhiên liệu và lượng phát thải CO2 được giảm xuống, mức độ ít hay nhiều phụ thuộc vào các công nghệ hybrid khác nhau ở mỗi hãng xe.

Tại Việt Nam, Toyota là hãng xe đầu tiên bán ra tuỳ chọn phiên bản hybrid chính hãng trên Corolla Cross vào tháng 8/2020. Tiếp đó, hãng này giới thiệu Camry hybrid và Corolla Altis hybrid. Cả ba mẫu xe xanh đều có điểm chung là trang bị cấu hình Full hybrid.

Sau khoảng 2 năm từ khi Toyota bán ra chiếc hybrid đầu tiên, Suzuki Việt Nam cũng trang bị cấu hình hybrid đầu tiên trong phân khúc MPV cỡ B, với chiếc Ertiga hybrid. Đây là cấu hình Mild hybrid, tức hybrid nhẹ. Cả Corolla Cross và Ertiga đều là những mẫu xe đầu tiên trong phân khúc có phiên bản hybrid. Vậy, sự khác nhau giữa hai công nghệ hybrid này là gì?

Đại diện cho cấu hình Full hybrid tại Việt Nam là Corolla Cross 1.8HEV. Với loại hybrid này, xe có bộ pin tích trữ năng lượng lớn, khả năng vận hành độc lập bằng động cơ điện, hoặc kết hợp động cơ xăng trong một số trường hợp cần thiết.

Mô-tơ điện trên Corolla Cross 1.8HEV là loại 600V, công suất tương đương 71 mã lực và mô-men xoắn 163 Nm. Pin sử dụng là loại NiMH (niken hydrua kim loại). Ngoài ra, xe sử dụng động cơ xăng dung tích 1.8, công suất 97 mã lực và mô-men xoắn 142 Nm. Hộp số loại tự động vô cấp CVT. Các chế độ lái tuỳ chọn gồm: Normal, Power, Eco và thuần điện EV Mode.

Trong đó, chế độ EV Mode có thể kích hoạt thủ công khi dung lượng pin đầy, hoặc máy tính sẽ kích hoạt tự động tuỳ theo dung lượng pin, phản ứng chân ga từ người lái... để tối ưu mức tiêu hao nhiên liệu, cũng như khả năng vận hành, tăng tốc.

Khác biệt với Toyota, Suzuki tiếp cận xu hướng điện hoá tại Việt Nam với cấu hình Mild hybrid, tức hybrid nhẹ, bộ pin tích trữ năng lượng ở mức nhỏ. Đây cũng là cấu hình cơ bản nhất trong các dòng xe hybrid trên thế giới.

Theo đó, mô-tơ điện trang bị trên Ertiga hybrid dẫn động trực tiếp vào động cơ xăng. Bộ pin là loại lithium-ion, điện áp 12V và dung lượng 6 Ah. Xe trang bị động cơ xăng 1.5, công suất 104,7 mã lực, mô-men xoắn 138 Nm. So với phiên bản động cơ đốt trong trước đây, bản hybrid của Ertiga có công suất lớn hơn 1,7 mã lực, trong khi mô-men xoắn giữ nguyên. Mẫu xe được Suzuki trang bị hộp số tự động 4 cấp.

Ngoài thông số kỹ thuật và cấu hình, sự khác biệt của hai công nghệ trên được thể hiện rõ hơn khi vận hành. Với kiểu Full hybrid, Corolla Cross HEV khi bấm nút khởi động không phát ra âm thanh (tiếng đề nổ) như các dòng xe thông thường. Thay vào đó, xe phát ra tiếng "Beep", màn hình trung tâm người lái báo hiệu xe đã sẵn sàng lăn bánh.

Do khởi hành bằng mô-tơ điện, khoang cabin dòng xe Full hybrid không có tiếng ồn, năng lượng cung cấp từ bộ pin nên động cơ đốt trong cũng chưa hoạt động. Xe không tốn xăng, không phát thải CO2 ra môi trường, trải nghiệm vận hành khi vừa lăn bánh tương tự xe thuần điện.

Với cấu hình Mild hybrid, xe vẫn khởi động với tiếng đề nổ thông thường, báo hiệu động cơ đốt trong đã sẵn sàng hoạt động. Lúc này, xe dùng Mild hybrid không khác biệt nhiều so với những mẫu xe xăng thông thường, động cơ đốt trong bắt đầu hoạt động và phát thải CO2 ra môi trường xung quanh.

Khi vào số, xe lăn bánh, Corolla Cross 1.8HEV vẫn sử dụng mô-tơ điện để hỗ trợ quá trình này, bởi theo nhiều nghiên cứu – đây là quá trình tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Tuỳ theo phản ứng chân ga của người lái và lượng pin còn lại, chiếc xe sẽ tự động chọn nguồn năng lượng phù hợp. Nhấn mạnh chân ga – chiếc xe hiểu người lái muốn tăng tốc nhanh, nên lập tức động cơ đốt trong khởi động, đồng thời sạc thêm cho bộ pin. Người lái có thể theo dõi toàn bộ quá trình linh hoạt này thông qua màn hình hiển thị trạng thái hoạt động.

Với cấu hình Mild hybrid, chiếc Suzuki Ertiga khi vào số, lăn bánh, động cơ xăng đã hoạt động dù lượng pin còn nhiều hay ít. Theo hãng Nhật, tiếng khởi động trên mẫu xe này êm ái hơn nhờ trang bị máy phát kiêm bộ đề ISG, năng lượng được cung cấp từ bộ pin lithium-ion 12V đặt dưới ghế người lái.

Ở dải tốc độ thông thường, cấu hình Full hybrid giúp mẫu xe của Toyota có thể vận hành độc lập bằng năng lượng điện, không tốn xăng và không phát thải. Việc này diễn ra khi bộ pin đủ năng lượng hoặc người lái kích hoạt thông qua nút bấm. Khi dung lượng pin xuống thấp, hệ thống tái khởi động động cơ xăng, vừa có nhiệm vụ dẫn động, vừa sạc năng lượng cho bộ pin. Toàn bộ quá trình này trên dòng xe Full hybrid diễn ra hoàn toàn tự động. Thậm chí, nếu không để ý, người lái không dễ nhận ra sự thay đổi linh hoạt của hai nguồn năng lượng này.

Có cơ chế hoạt động khác với Full hybrid, cấu hình Mild hybrid trên Suzuki Ertiga có bộ pin nhỏ, dung lượng thấp nên mô-tơ điện chỉ hỗ trợ trong thời gian tối đa 30 giây với điều kiện pin đầy. Khi pin không đầy, hệ thống này chỉ hỗ trợ tăng tốc trong khoảng vài giây, động cơ xăng vẫn đóng vai trò chính trong việc cung cấp mô-men xoắn.

Hai mẫu xe có điểm chung là tính năng dừng/ngắt động cơ khi đỗ đèn đỏ và hệ thống phanh tái tạo năng lượng.

Theo công bố từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, cấu hình Full hybrid giúp Corolla Cross 1.8HEV có mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 4,6 lít/100km. So sánh với phiên bản động cơ đốt trong thông thường, mẫu xe hybrid của Toyota giảm gần 60% mức tiêu hao nhiên liệu, theo nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Bách Khoa Hà Nội và Toyota Việt Nam năm 2021.

Theo Suzuki Việt Nam, cấu hình Mild hybrid giúp Ertiga đạt mức tiêu hao nhiên liệu 5,69 lít/100km, tiết kiệm hơn khoảng 0,72 lít/100km khi so sánh với phiên bản thường.

Về thời gian bảo hành, Toyota Việt Nam đưa mức bảo hành bộ pin hybrid đến 7 năm hoặc 150.000 km, tuỳ điều kiện nào đến trước. Với Ertiga hybrid, xe được bảo hành đến 5 năm hoặc 100.000 km, tuỳ điều kiện nào đến trước.

Chi phí thay thế bộ pin trên Ertiga hybrid được hãng công bố khoảng 30 triệu đồng. Còn trên Corolla Cross 1.8HEV, giá thay thế bộ pin khoảng 90 triệu đồng, bởi hệ thống phức tạp hơn, dung lượng pin lớn hơn. Theo công bố của Toyota Việt Nam, hãng chế tạo bộ pin hybrid có tuổi thọ tương đương với chiếc xe, chưa ghi nhận trường hợp thay thế nào kể từ khi ra mắt tại thị trường Việt Nam.

Về bảo dưỡng trong quá trình sử dụng, cả hai hãng xe đều khuyến cáo người dùng bảo dưỡng chính hãng như xe thông thường, không có nhiều sự khác biệt. Ở mẫu xe Full hybrid của Toyota, điểm khác biệt người dùng cần có thêm bước bảo dưỡng bộ phận lọc gió của hệ thống làm mát pin.

"Lọc gió bộ làm mát pin được kỹ thuật viên kiểm tra bằng mắt thường sau mỗi 10.000 km, vệ sinh sau mỗi 30.000 km trong điều kiện hoạt động bình thường", đại diện Toyota Việt Nam cho biết. "Bộ lọc gió này chỉ thay thế khi có hiện tượng rách, không đảm bảo hoạt động ổn định. Chi phí thay thế tương đương các loại lọc gió thông thường trên xe".

Hiện, Toyota Việt Nam vẫn là hãng dẫn đầu trong mảng xe hybrid, doanh số cộng dồn từ tháng 8/2020 – thời điểm bán chiếc hybrid đầu tiên đến hết tháng 8/2023 đạt 7.162 chiếc, nhiều hơn bất kỳ hãng xe nào đang có mặt. Năm ngoái, dòng xe hybrid của Toyota ghi nhận doanh số bán hơn 3.000 chiếc.

Hiện, Toyota Việt Nam bán ra 3 dòng xe hybrid với Corolla Cross, Camry và Corolla Altis. Trong năm nay, hãng Nhật có kế hoạch mở rộng dải sản phẩm hybrid, nhằm đón đầu xu thế điện hoá phù hợp với thị trường Việt Nam. Điển hình là sự ra mắt của Yaris Cross hybrid vào ngày 19/9 tới đây.Nội dung: Quang Anh - Thiết kế: Hằng Trịnh - Ảnh & Video: Anh Tuấn